Ngày càng nhiều học sinh lựa chọn đi học nghề thay vì vào đại học.
Tăng chỉ tiêu, đăng ký xét tuyển đại học lại giảm
Theo thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), kết thúc đợt 1 đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020, có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong số đó có 643.122 em đăng ký xét tuyển (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.
Nhìn vào số liệu này, có thể thấy năm 2020 có 257.030 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà không xét tuyển đại học (chiếm 28,5%). Con số này năm 2019 là 27,8%, năm 2018 là 25.7% và 2017 là 25%. Số lượng học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp tăng qua mỗi năm, điều này đồng nghĩa tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sẽ giảm đi.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở top trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%. Vì vậy nếu có kết quả thi tốt thì cơ hội vào đại học của các thí sinh rất rộng mở.
Tăng cơ hội, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học lại không tăng so với các năm trước. Tại sao lại có xu hướng như vậy?
Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), trong số 257.030 thí sinh không xét tuyển đại học năm 2020, có thể các em đã lựa chọn cách xét tuyển vào đại học bằng học bạ, hoặc đi du học, hoặc chuyển qua học nghề. Dù học sinh lựa chọn theo cách nào, thì việc tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ giảm (năm 2019, tỉ lệ này là 74,01%; năm 2018 là 74,37%) là xu hướng tích cực, thể hiện việc phân luồng chúng ta làm ngày càng tốt.
Học sinh không còn tư duy phải vào đại học bằng mọi giá, mà có nhiều lựa chọn khác nhau. Đây cũng chính là áp lực với các trường đại học trong việc thu hút người học bằng việc bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết đầu ra và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây chính là yếu tố giúp các trường tồn tại trong bối cảnh phải cạnh tranh để tuyển sinh.
Lo thất nghiệp, học phí đại học tăng
Là học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ để xét tốt nghiệp, Nguyễn Thanh Lâm (học sinh Trường THPT Đồng Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, trước khi đăng ký hồ sơ, em đã tham khảo ý kiến của giáo viên và người thân trong gia đình. Ngoài ra, Lâm cũng tiếp cận nhiều thông tin qua truyền thông để có thêm lựa chọn.
“Căn cứ vào lực học, dựa vào điểm của những lần thi thử gần nhất, dù rất yêu thích Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng em tự xác định năng lực của mình khó có thể thi đỗ vào trường. Nếu lựa chọn một trường đào tạo về kinh tế thuộc top giữa hoặc top dưới, cơ hội đỗ của em vẫn có, nhưng lại lo lắng về cơ hội việc làm.
Ngoài ra, trước các thông tin về việc học phí đại học tăng vì được tự chủ, em cũng lo lắng vì khả năng tài chính của gia đình có hạn. Anh trai của em không vào đại học mà chỉ học trường nghề, nhưng hiện cũng có công việc ổn định, với mức thu nhập còn hơn nhiều người có bằng đại học. Trong khi thời gian học nghề ngắn hơn, học phí thấp hơn, nếu cố gắng thì cơ hội việc làm vẫn tốt, nên em quyết định không đăng ký xét tuyển đại học mà sẽ chuyển qua học nghề” - Thanh Lâm cho biết.
Ngoài vấn đề học phí, theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An - học sinh và phụ huynh ngày càng ý thức hơn đến việc hướng nghiệp, cơ hội việc làm của ngành nghề mà mình định lựa chọn.
Như tại Nghệ An, năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 32.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 45% học sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Nhiều học sinh học xong lớp 12 có xu hướng lựa chọn học nghề, hoặc đi xuất khẩu lao động, thay bằng việc vào một trường đại học.
Một trong những nguyên nhân khiến học sinh đưa ra lựa chọn này, theo ông Thành, là vì thực tế không ít gia đình phải vay mượn tiền cho con học đại học, tuy nhiên ra trường vẫn thất nghiệp, hoặc tìm được việc nhưng hưởng mức lương không như mong muốn. Vì thế, nhiều gia đình định hướng cho con em mình lựa chọn con đường học nghề, thời gian học ngắn hơn, mà ra trường dễ xin việc hơn.
Nhìn nhận về xu hướng ngày càng nhiều học sinh không lựa chọn vào đại học mà chuyển qua học nghề, TS Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam - cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, vì chứng tỏ học sinh đã có sự định hướng nghề nghiệp chứ không “vào đại học bằng mọi giá” như trước. Đây không chỉ là trào lưu của Việt Nam mà là xu hướng chung của thế giới trong những năm gần đây.
Việc này cũng cho thấy học sinh ngày nay đang trở nên thực tế hơn khi quyết định việc chọn ngành, chọn nghề. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển, nhu cầu tuyển dụng lao động theo năng lực, không quan trọng bằng cấp của doanh nghiệp đã tác động đến tâm lý chọn trường, chọn nghề. Học sinh đã coi vào đại học như một lựa chọn hơn là con đường tất yếu để thành công.
TS Cao Văn Sâm cho rằng, xu hướng này là cơ hội để thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Đồng thời nó cũng buộc các cơ sở giáo dục phải đổi mới trong phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng. Đặc biệt phải gắn việc đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động để tăng cơ hội việc làm cho người học.