HÀNH TRÌNH ĐỊA CHỈ ĐỎ - ĐỀN THỜ NGÔ TƯỚNG CÔNG

[HÀNH TRÌNH ĐỊA CHỈ ĐỎ- THÁNG THANH NIÊN )

ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG TCN NẤU ĂN – NVDL VÀ TT HÀ NỘI TỔ CHỨC HÀNH TRÌNH VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ " ĐỀN THỜ NGÔ TƯỚNG CÔNG"

Thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), sáng ngày 23/3/2024, Đoàn viên thanh niên các chi đoàn đã làm lễ dâng hương tại Đền Ngô Tướng Công. Đền thờ một danh tướng của dân tộc chống giặc Minh thời nhà Hồ. Bị giặc bắt, ông đã tuẫn tiết ở cửa biển. Sinh thời ông xuất thân trí thức nho học, giúp dân nghèo về ruộng đất, đưa dân xuống Xuân Thủy (Nam Định) khai hoang.

Ngô Tướng Công tên thật là Ngô Miễn, sinh năm 1371 tại làng Xuân Mai, xã Xuân Hy, tổng Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay tổ Xuân Mai, phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
  • Ngô Tướng Công xuất thân trong gia đình vọng tộc, có tư chất thông minh, và dung mạo tuấn tú lại khoan hòa rộng rãi nên được người trong vùng nể trọng. Vào năm 1393 triều Trần Thuận Tông, Ngô Miễn ra kinh ứng thí và nằm trong 30 người thi đỗ của khoa thi này.
  • Sau khi thi đỗ, Ngô Miễn được triều đình cử giữ chức Đặc tiến quân sử Vinh lộc đại phu coi quân Thiên Cương, sau đó tiếp tục được bổ chức Xương phủ tổng quản chi lăng (kiêm coi sóc các lăng tẩm vua Trần ở phủ Thiên Trường).
  • Trong thời gian trấn nhậm, Ngô Miễn thường khảo sát tình hình đất đai và phong hóa vùng miền, nhận thấy đất Thiên Trường (Nam Định) tuy trù phú nhưng còn hoang vu, trong khi tại quê hương bản quán của mình Ngô Tướng Công nhận thấy đất chật mà người đông đúc.
  • Ngô Miễn bèn dâng tấu xin vua cho bố trí các cuộc di dân, sau khi được nhà vua chấp thuận, Ngô Miễn trở về bản quán Xuân Hy, kêu gọi nhân dân của 10 dòng họ cử người theo ông xuống vùng duyên hải thuộc phủ Thiên Trường khai hoang các bãi bồi, quai đê lấn biển… Quá trình này đã tạo nên hàng nghìn mẫu ruộng, hình thành những khu sinh cơ lập nghiệp, những làng quê trù phú thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay.
  • Đến cuối triều Trần, Ngô Miễn cáo quan về quê cũ, ông mở trường dạy học và tiếp tục dành thời gian ngao du khắp nước khảo sát địa thế phong tục tập quán các vùng miền. Đồng thời dốc tiền của mua 72 mẫu ruộng chia cho người dân 4 thôn Mai, Thượng, Triền, Bến lấy nơi cày cấy.
  • Đến năm 1400 vua Hồ Quý Ly lên ngôi đã mến trọng tài đức của Ngô Miễn, nên vời ra làm quan. Ngô Miễn được triều đình trọng dụng phong chức Hành khiển Thượng thư lệnh Hữu Tham Tri chính sự, Đổng Bình chương quân quốc trọng sự (Tương đương chức Tể tướng).
  • Vào năm 1407 nhà Minh dụng chiêu bài phù Trần diệt Hồ phái đại quân sang xâm lược, đất nước lâm nguy dần rơi vào tay giặc. Ngô Tướng Công cùng quân dân nhà Hồ tiến hành nhiều trận chống trả quyết liệt, nhưng vận nước suy vi.
  • Khi vua quan nhà Hồ phải chạy ra hải khẩu Ki Lê (nay gọi là cửa biển Kỳ La, tỉnh Hà Tĩnh), Ngô Miễn dẫn vợ con cùng theo vua. Sau khi tôn thất nhà Hồ bị giặc bắt, Ngô Miễn cùng thuộc hạ trung thành Kiều Biểu tuẫn tiết để báo đền ơn vua nợ nước, khi đó Ngô Miễn mới 36 tuổi. Người vợ của ông là Nguyễn Thị Lệnh cũng tuẫn tiết theo chồng.
  • Tưởng nhớ công ơn Ngô Tướng Công, nhân dân các vùng quê cựu quán (làng Xuân Mai phường Phúc Thắng), cũng như tân ấp (nơi Ngô Miễn khai hoang lập làng, nay thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã lập đền thờ. Hằng năm, vào các ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng Giêng, Lễ hội Đền Ngô Tướng Công tại nơi bản quán của ngài – phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức trọng thể. Đây là dịp để người dân địa phương, và du khách hướng về cội nguồn, biết ơn công đức của Ngô Tướng Công, cùng các bậc tiền nhân đã hết lòng vì dân vì nước.

Chương trình là chuỗi các hoạt động ý nghĩa của Thế hệ trẻ HCTF thể hiện được truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” , là dịp để thế hệ trẻ tưởng nhớ đến người anh hùng tài năng đức độ, liêm khiết và có nhiều đóng góp cho việc cải cách xã hội, là tấm gương cho thế hệ trẻ phấn đấu học tập.

HCTF