Bù đắp kiến thức trong môi trường giãn cách linh hoạt

GD&TĐ - Các tỉnh, thành trên cả nước quyết định cho học sinh đi học trở lại. Cùng với việc bù đắp kiến thức còn là công tác bảo đảm an toàn cho từng học sinh trong hoàn cảnh dịch diễn biến đáng lo ngại.

Gia đình cần phối hợp với nhà trường giáo dục ý thức trong việc giữ khoảng cách an toàn cho học sinh.

Để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng khuyến cáo, học sinh nên ngồi cách nhau 1,5 mét và tách lớp học. Nếu lớp quá đông, trường chia làm đôi hoặc hơn nữa, phòng học không quá 20 em. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng khi học sinh đi học đồng loạt, rất khó thực hiện biện pháp này.

Bảo đảm giãn cách khi ít học sinh

Cà Mau là địa phương đầu tiên trong cả nước cho HS trở lại trường ngay sau khi kết thúc cách ly xã hội. Trong những ngày đầu, chỉ có HS lớp 9 và 12 đi học lại và thực hiện chia đôi lớp học để bảo đảm khoảng cách giữa các HS là 2 mét. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, nếu cho HS khối khác trở lại trường, trước mắt là THCS và THPT, các trường không thể bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa các em là 1,5 mét. Khi HS đi học bình thường, mỗi lớp có trên 40 em.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng, quy định khoảng cách giữa các học sinh tối thiểu là 1,5 mét khó thực hiện. “Nếu là giãn cách giữa chỗ ngồi của các em trong một lớp thì không thể thực hiện được khi HS đồng loạt đi học. Cơ sở vật chất trường học ở TPHCM không đủ phòng học để chia lớp”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), lo ngại quy định khoảng cách tối thiểu giữa học sinh là 1,5 mét sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. “Nếu mỗi em cách nhau 1,5 mét, một phòng học tối đa chỉ được 15 - 20 em. Trong khi đó, sĩ số trung bình các lớp ở TPHCM hiện nay từ 45 - 55 em. Thậm chí, ở Hà Nội, nhiều nơi lên đến 60 em/lớp. Muốn giãn cách như vậy phải chia lớp học thành 2 - 3 lớp nhỏ. Điều này rất khó thực hiện”, ông Phú cho hay.

Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp.

Khi tất cả HS đồng loạt đi học, các trường không có đủ phòng trống để chia lớp. Nếu chia được lớp, số lượng giáo viên cũng phải nhân đôi, nhân ba. Trường không đủ giáo viên để đáp ứng. Hơn nữa, khi giờ dạy của giáo viên bị “trồi” lên như vậy, ngân sách để trả lương cho thầy cô như thế nào cũng là câu hỏi lớn.

“Dễ thấy nhất là không đủ phòng, giáo viên để chia lớp như vậy. Kể cả trong trường hợp chỉ cho khối 12 đi học lại trước, đủ phòng học để chia nhưng giáo viên cũng rất chắp vá. Không phải ai cũng dạy được lớp 12, trong khi các em đang cần ôn thi gấp rút”, ông Phú nói.

Cùng quan điểm, lãnh đạo Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TPHCM) chia sẻ, dù rất muốn, nhà trường khó bảo đảm những tiêu chí về mật độ, khoảng cách giữa HS, giáo viên, nhân viên trong một phòng học theo bộ tiêu chí an toàn của TPHCM. Trường không đủ phòng học và giáo viên để chia nhỏ lớp. Việc kê, đóng vách ngăn giữa các học sinh, trường cũng không khả thi. Vì thế, trường chỉ có thể thực hiện tốt tiêu chí khác như vệ sinh, bồn rửa tay, cho HS đeo khẩu trang, phòng cách ly...”.

Admin